Friday, April 23, 2010

Cụ bà 80 tuổi nhặt rác “miễn phí” ở bến phà Cần Thơ

Kể từ ngày tay phải bị viêm khớp, cụ không thể bưng mẹt bánh bò đi bán được nữa. Hàng ngày, cụ xuống bến phà Cần Thơ để tự nguyện nhặt rác “miễn phí”. Ai thương cảm thì cho ít tiền lẻ để sống chứ bà chưa hề đưa tay xin một lần nào.


Cụ Đẹt nhặt rác “miễn phí” trên các chiếc phà đã hơn 2 năm nay.
Tình cờ trong một lần đi qua công tác qua phà Cần Thơ, chúng tôi vô cùng xúc động trước hình ảnh một bà cụ tóc bạc phơ, lưng còm gần như sát đất đang lặng lẽ đi đi lại lại quét rác trên phà. Chúng tôi hỏi mới biết tên cụ là Lê Thị Đẹt (80 tuổi, ngụ ở khóm 6, khu vực 2, thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhưng do lúc đó đi vội vì thế chúng tôi không trò chuyện được với cụ.

Vài ngày sau đó, chúng tôi quyết định quay lại tìm cụ. Một ngày giữa tháng 4 khi mà người dân đang náo nức chuẩn bị đón lễ khánh thành cầu Cần Thơ, chia tay bến phà, chúng tôi phải mất cả buổi sáng lên xuống 6 chiếc phà, qua lại 12 bận mới gặp cụ Đẹt đang làm “nhiệm vụ” trên chiếc phà Việt Đan 1.

GặP cụ Đẹt cũng là lúc cụ đang lom khom nhặt rác, chúng tôi thấy lạ (vì trước đó cụ dùng chổi để quét) nên hỏi anh Ngà - nhân viên điều hành phà Việt Đan 1, anh Ngà cho biết: “Gần 2 tháng nay, bệnh viêm khớp hành hạ cánh tay phải của cụ Đẹt nên bây giờ tay của cụ không cầm nổi cây chổi nữa. Thấy hoàn cảnh của cụ chúng tôi thương lắm nhưng cũng khó cho anh em chúng tôi”.

“Nếu không cho cụ xuống phà thì cụ không có tiền để sống, còn cho cụ xuống đây thì cụ lại đi làm như vậy. Nhiều khi khách qua phà cứ tưởng tụi tôi bỏ tiền ra mướn cụ làm vệ sinh phà, nếu hiểu như vậy thì chết cho anh em tụi tôi”.

Trong lúc đó, anh Nam- một nhân viên phà nói thêm: “Mỗi ngày bà cụ làm ở đây đến chiều tối mới về. Hôm nào biết khách cho tiền ít thì anh em ở đây gom lại cho cụ thêm 20.000đồng-30.000 đồng để mà ăn cơm, uống thuốc. Mặc dù hoàn cảnh của cụ Đẹt khó khăn nhưng bà cụ không hề đưa tay xin tiền hay than vãn với một người khách nào bao giờ”.

Trong lúc xe xuống phà, thấy cụ Đẹt nghỉ tay, chúng tôi đến trò chuyện với cụ nhưng phải nói hết “công suất” thì cụ Đẹt mới nghe. Chúng tôi hỏi đến con cái của cụ thì cụ bùi ngùi cho biết: “Tôi có duy nhất một đứa con, năm nay nó cũng 50 tuổi rồi. Hai vợ chồng nó cũng nghèo khổ đi làm thuê cho người ta ở bên Cần Thơ. Thấy con nghèo khổ, mình còn sức thì làm được cái gì để tự nuôi thân thì mình làm”. Nói rồi cụ đi lại nhặt một cùi bắp mà một thanh niên mới quăng xuống cho vào thùng rác, ai nấy trên phà cũng nhìn cụ rồi vài người bước xuống cho tiền cụ Đẹt.

Gần hết buổi trưa, chúng tôi mởi chở cụ Đẹt về nhà cụ để tìm hiểu thêm. Nhìn căn nhà rộng chưa tới 20m2, xung quanh chỉ toàn là tôn lắp ghép, cụ Đẹt cho biết: “Căn nhà này chủ yếu để cho vợ chồng thằng Hoàng (con trai cụ) nó ở, còn tôi đang ở chung với con nhỏ cháu”. Cụ Đẹt tiếp tục dẫn chúng tôi lên nơi mà cụ đang sống.

Qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết chị Nhung (người cháu mà cụ Đẹt nói) chỉ là một người hàng xóm chứ không có bà con gì với cụ Đẹt. Chị Nhung cho chúng tôi biết: “Thấy bà cụ ở có một mình, sợ ban đêm có bệnh rồi ai hay nên vợ chồng tôi mới đưa cụ lên đây ở từ hơn 2 năm nay. Khi nào cụ đau yếu thì tôi gọi điện cho anh Hoàng đưa về chăm sóc. Còn bình thường cả tháng anh Hoàng mới về thăm bà cụ một lần, khổ nỗi là về thăm vậy thôi chứ có tiền bạc gì đâu mà cho bà cụ”.

Cách đây hai tuần, căn bệnh viêm khớp nặng quay lại hạnh hạ cụ. Cũng may có những người hàng xóm tốt bụng đưa cụ đi lên Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long để điều trị. Về nhà được một tuần, cánh tay phải chưa nhấc lên được nữa thì cụ Đẹt lại xuống phà để “kiếm sống” mặc cho chị Nhung hết lời ngăn cản.

Nhìn cụ Đẹt, chị Nhung nói thêm: “Bây giờ cụ Đẹt phải uống thuốc hàng ngày, mỗi tuần cụ lên Trung tâm Y tế huyện Bình Minh để lấy thuốc, mỗi lần lấy thuốc như vậy cũng tốn hơn 150.000đồng. Tiền khách cho hàng ngày chỉ đủ lo cơm nước chứ có dư đâu mà để dành mua thuốc uống. Vợ chồng em cũng đi làm thuê nên cũng chẳng giúp được gì nhiều cho cụ nên cũng thấy áy náy lắm”.

Chúng tôi hỏi thêm, phà hết hoạt động rồi cụ sẽ làm gì? Cụ Đẹt như chuẩn bị từ trước nên nói: “Tôi chỉ sợ mình lại nằm một chỗ, chứ còn đi được thì dù không còn “làm” ở dưới phà nữa, tui sẽ đi bán vé số cũng kiếm sống được. Chỉ mong trời Phật cho tôi được mạnh khỏe hoài”.

Chia tay cụ Đẹt, chúng tôi quay lại phà, nhìn phía xa cầu Cần Thơ vươn dài và vài ngày nữa thôi sẽ được khánh thành thông xe. Nghĩ đến đây chúng tôi cũng thấy vui vì “qua sông khỏi phải lụy phà”. Bất chợt, chúng tôi nghĩ đến cụ Đẹt.

Cầu khánh thành, phà hết hoạt động thì không còn hình ảnh bà cụ còng lưng, tóc bạc nhặt rác “miễn phí” nữa nhưng liệu cụ có đi nổi trên những con đường để bán vé số như cụ dự tính hay không, khi mà con số 80 được liệt vào tuổi “xưa nay hiếm” và căn bệnh viêm khớp luôn thường trực bên cụ?


AI ĐI NGANG QUA GẶP CỤ THÌ GIÚP CỤ VÀI TRĂM K

No comments:

Post a Comment