Sáng 29/6, TAND tỉnh Cà Mau mở phiên tòa xét xử lưu động vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức và hai người làm công trong vụ án hành hạ dã man bé Nguyễn Hoàng Anh (Hào Anh) tại nhà văn hóa trung tâm tỉnh Cà Mau dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người dân.
Bị cáo kêu oan
Theo cáo buộc của cơ quan công tố, các bị cáo Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm, Lưu Văn Khánh và Lâm Lý Quỳnh (người làm công) bị cáo buộc về tội “hành hạ người khác”. Sau đó, các cơ quan tố tụng còn khởi tố bổ sung tội “cố ý gây thương tích”.
Theo hồ sơ, tháng 10-2008, chị Phạm Thị Thoa (mẹ bé Hào Anh) cho Hào Anh đến làm thuê tại trại tôm giống Minh Đức ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau của vợ chồng Giang, Thơm. Công việc hàng ngày của Hào Anh là đập ốc làm thức ăn cho Tôm, nấu cơm, giặt giũ và chăm sóc con cho vợ chồng Giang, Thơm…Ngoài Hào Anh còn có Khánh và Quỳnh cũng là người làm công cho trại tôm này.
Vợ chồng Giang - Thơm cùng đồng phạm trước tòa. |
Trong thời gian Hào Anh làm thuê, vợ chồng Giang, Thơm cho rằng Hào Anh lười biếng, chậm chạp và hay trả treo nên bị vợ chồng này và hai người làm công thay phiên nhau đánh đập gây thương tích gần 67%.
Phiên tòa bắt đầu được khoảng 5 phút thì bị cáo Thơm ngất xỉu nên phải tạm dừng phiên tòa để sơ cứu cho bị cáo Thơm. Phiên tòa bị gián đoạn đã làm cho nhiều người dân tham dự phiên tòa la ó yêu cầu tòa tiếp tục đưa Thơm ra xét xử. Khoảng 30 phút sau, tòa tiếp tục xét xử và cho bị cáo Thơm ngồi để trả lời câu hỏi của tòa.
Đối diện với hành vi tội ác do chính mình gây ra, |
Trong phần xét hỏi, HĐXX hỏi bị cáo Giang “bị cáo có thắc mắc gì về bản cáo trạng của VKS không”. Ngay lập tức, bị cáo Giang cho rằng bản cáo trạng không đúng và mình bị oan. Giang nại rằng, trước đây bị cáo có khai tại cơ quan điều tra là như trên là do điều tra viên ép cung. Bị cáo sợ nếu không khai như yêu cầu của điều tra viên sẽ bị đánh đập. Ngoài ra, trong lúc bị tạm giam sức khỏe của mình yếu đi nên không tỉnh táo để khai báo.
Coi Hào Anh như con?
Cáo trạng của VKS cho rằng Giang và hai người làm công đè Hào Anh ra để đổ formol lên người của Hào Anh là không đúng sự thật. Giang lý giải, bé Hào Anh rất nhỏ con, nếu đổ formol lên người thì chỉ cần một người cũng có thể làm được chứ không cần đến 3 người như cáo trạng nêu.
Bên cạnh đó, Giang cũng cho rằng mình chỉ đánh Hào Anh mấy lần vào đít, một lần làm rách chân mày và một lần đánh nhưng không may làm bị gãy một chiếc răng của Hào Anh.
Trước lời khai đó, HĐXX bẻ ngay “nếu bị cáo nói như vậy thì việc Hào Anh bị gãy 5 cái răng là do đâu?”. “Dạ, những vết thương khác và gãy những chiếc răng khác là do Hào Anh tự té và bị bỏng”, Giang bình thản chống chế. Giang còn cho rằng, những lần đánh Hào Anh là do em lười biếng, chậm chạp, hay cãi lời và còn đánh con của bị cáo.
Để đối chứng lời khai, HĐXX xét hỏi bị cáo Lâm Lý Quỳnh tại sao bị cáo lại tham gia đánh Hào Anh.
Bị cáo Quỳnh khai phải đánh Hào Anh là do Giang, Thơm sai khiến. Nếu không đánh thì sẽ bị ông bà chủ đánh mình. Quỳnh còn khai, việc đè Hào Anh ra để đổ formol và tạt nước sôi lên người là có thật. Bị cáo cũng tham gia theo lời sai bảo của Giang Thơm.
Sau khi Quỳnh khai nhận hành vi của mình thì Giang cũng công nhận là có đổ formol pha loãng lên chân Hào Anh chứ không phải đổ lên người. Hành vi đổ formol lên chân Hào Anh xuất phát từ việc Hào Anh hay nghịch nước làm cho nước ăn chân.
Bị cáo Thơm cũng cho rằng mình bị oan nhiều vì chỉ đánh Hào Anh bốn lần. Cụ thể một lần dùng bàn ủi đặt lên đùi Hào Anh nhưng bàn ủi đã được rút khổi ổ cắm điện nên không con nóng lắm. Một lần dùng ổ khóa dây đánh vào người, lấy cây sạn (dùng để chiên cá) đánh và một lần dùng ghế ngồi đánh vào người Hào Anh. Bị cáo Thơm còn cho rằng, bản thân bị cáo thương Hào Anh như con chứ không ghét bỏ gì!
Sau những ngày điều trị, bé Hào Anh không khỏi |
Tuy nhiên, Thơm thừa nhận mấy lần đánh Hào Anh là do Hào Anh đánh con của mình nên bị cáo mới nổi giận và đánh cho chừa. Sở dĩ bị cáo khai tại cơ quan điều tra là chính bị cáo gây nên những vết thương của Hào Anh là do điều tra viên hứa hẹn cho về với con và chỉ bắt Giang đi tù. Bên cạnh đó, điều tra viên đã lấy lời khai của Giang trước đó đưa cho bị cáo đọc và khai lại chứ bị cáo không hề làm những việc đó.
Trước đó, buổi sáng, bị cáo Lưu Văn Khánh cho rằng mình chỉ tham gia đánh Hào Anh 5 lần bằng tay chân và roi tre. Ngoài ra không hề đè Hào Anh ra để tạt nước sôi và đổ formol. Tuy nhiên, sau khi đại diện VKS lưu ý các là nếu khai báo thành khẩn đúng sự thật thì sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ thì Khánh đã khai nhận thêm hai lần tham gia đè Hào Anh để Giang, Thơm tạt nước sôi và đổ formol lên người.
Trong phần bào chữa, luật sư bào chữa cho bị cáo Giang và Thơm trước tiên muốn gửi lời chia sẻ đến người bị hại là bé Hào Anh. Mong bé Hào Anh bình phục sức khỏe và trở thành công dân tốt trong sự đùm bọc thương yêu của mọi người.
Bào chữa cho bị cáo, luật sư cho rằng tỷ lệ giám định thương tật của Hào Anh là chưa khách quan vì phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh không có chức năng giám định thương tật. Ngoài ra, luật sư còn cho rằng, một hành vi nhưng bị cơ quan tố tụng truy tố hai tội là không đúng với quy định của pháp luật.
Phản bác lại quan điểm của luật sư, đại diện VKS cho rằng phần bào chữa của luật sư thiếu căn cứ vì phòng kỹ thuật hình sự giám định tỷ lệ thương tật là đúng chức năng và phù hợp pháp luật. Về việc truy tố hai tội danh, vị đại diện VKS cho rằng, hành vi của Giang Thơm là một chuỗi hành vi, lặp lại nhiều lần nên chia ra hai tội danh là hoàn toàn phù hợp.
Sau thời gian nghị án, HĐXX chấp nhận một phần bào chữa của luật sư về các tình tiết giảm nhẹ như nuôi con nhỏ, phạm tội lần đầu…HĐXX tuyên phạt Huỳnh Thanh Giang, Mã Ngọc Thơm mỗi người 20 năm tù về tội “cố ý gây thương tích” và 3 năm tù về tội “hành hạ người khác” , tổng cộng hình phạt đối với mỗi bị cáo 23 năm tù.
Với vai trò đồng phạm, bị cáo Lưu Văn Khánh, Lâm Lý Quỳnh mỗi người 1 năm tù về tội “cố ý gây thương tích” và 6 tháng tù về tội “hành hạ người khác”, tổng cộng mỗi bị cáo 1,6 năm tù.
Theo Vietnamnet
No comments:
Post a Comment