Ngày tết ông Công, ông Táo đang cận kề cũng là lúc thị trường cá chép - phương tiện dành cho ông Công, ông Táo lên chầu trời bắt đầu sôi động. Ngoài các loại cá vàng, năm nay xuất hiện nhiều loại cá mới.
Làng cá Yên Phụ bắt đầu nhộn nhịp người mua khi ngày Tết ông Công, ông Táo đang cận kề |
Làng Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) là một địa điểm nổi tiếng với nghề buôn bán cá cảnh. Cứ vào dịp 23 tháng Chạp, cả làng lại chuyển sang bán cá chép, cá vàng - loại cá mà các gia đình thường sử dụng trong lễ cúng ông Công, ông Táo. Nếu như một tuần trước đây không khí mua bán khá ảm đạm, thì hiện nay đã nhộn nhịp hẳn vì những tiểu thương từ khắp nơi đổ về mua cá.
Thay vì bán những loại cá cảnh đắt tiền, những bể cá vàng, cá chép được các gia đình ở Yên Phụ nhập về để phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô và nhiều địa phương lân cận. Thị trường cá cảnh năm nay đến muộn hơn so với mọi năm vì thời tiết quá lạnh, các tiểu thương không lấy hàng sớm vì sợ cá chết. Anh Phúc, chủ một cửa hàng cá, cho biết: “Năm nay thời tiết lạnh quá, nên các thương lái lấy cá muộn. Hôm nay (21 tháng Chạp), các thương lái mới bắt đầu đến lấy hàng”.
Anh Phúc đang lựa cá cho khách
Ngay trong ngày hôm nay, gia đình anh Phúc đã xuất bán được hơn 400 con cá chép và cá vàng các loại. Mỗi con chép Nhật vàng (khoảng 200g/con) giá 50 nghìn đồng; chép ngũ sắc nhỏ hơn một chút giá khoảng 20-30 nghìn đồng/con; cá vàng nhỏ giá 10-15 nghìn đồng/con, tăng từ 15 - 20% so với năm ngoái.
Cá chép kỳ lân, giá 70 nghìn đồng/đôi.
Bên cạnh loại chép Nhật vàng, năm nay xuất hiện thêm loại cá chép ngọc trai (cá có màu óng ánh trên đầu, rất đẹp mắt). Loại cá này giá tương đối cao, từ 95-100 nghìn đồng/đôi. Chép vàng kỳ lân cũng là giống cá mới được nhiều người chú ý vì hình thức, màu sắc đẹp mắt, giá từ 70-80 nghìn đồng/đôi. Theo những chủ cửa hàng cá, các loại cá này được nhập về từ Trung Quốc, Nhật Bản nên giá thành khá cao.
Cá chép vàng (loại 200g/con) giá 100 nghìn đồng/đôi.
Tại làng Yên Phụ còn bán loại chép trắng được nhập từ TP Hồ Chí Minh. Giá loại cá này khoảng từ 140-200 nghìn đồng/kg. Đặc điểm của loại cá này là khỏe, dễ nuôi hơn các loại cá nhập ngoại. Tuy nhiên lại không được mọi người ưa chuộng vì cá chỉ có màu trắng, không có nhiều màu sắc phong phú như những loại cá nhập ngoại.
Tại phố Hoàng Hoa Thám, ngoài các loại cá vàng nhập về từ Trung Quốc, một số cửa hàng còn bán cá chép đỏ Thuỷ Trầm ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Anh Thành, chủ một cửa hàng cá cảnh cho biết, loại cá Thủy Trầm mình dài, màu đỏ sẫm, cá khỏe và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, nhìn hình thức bề ngoài thì không đẹp mắt bằng các loại cá khác nên bán chậm hơn.
Anh Xuyên, một thợ buôn cá tại Hà Nội cho biết, năm nay cá chép vàng vẫn được khách hàng ưa chuộng vì màu sắc khá đẹp mắt, giá cả lại phải chăng. “Tôi bán cá nhiều năm rồi, kinh nghiệm cho thấy những loại cá vàng bình thường bán chạy nhất vì giá rẻ. Vì cá làm lễ, thắp hương xong là mọi người thả ra ao, hồ nên nhiều người không cầu kỳ chọn mua những loại cá đắt tiền” - anh Xuyên nói.
Tuy nhiên, không ít người tỏ ra băn khoăn khi đứng trước những bể cá với nhiều loại cá chép phong phú và đa dạng. “Tôi mới đi dạo một vòng làng cá Yên Phụ mà thấy hoa cả mắt. Ban đầu định mua một đôi chép Nhật vàng, nhưng đến đây thấy nhiều loại cá đẹp quá, tôi đang băn khoăn chưa biết mua loại cá gì…” - chị Phương đến từ Hào Nam nói.
Anh Đức ở đường Láng cho rằng, cúng loại cá nào không quan trọng, cốt ở cái tâm. “Tôi nghĩ chọn loại cá gì, đắt tiền hay rẻ tiền không quan trọng mà quan trọng là ở cái tâm của mình. Gia đình tôi năm nào cũng mua ba con cá vàng nhỏ. Khi thắp hương xong, hai bố con ra hồ Thành Công thả, coi như đưa tiễn ông Táo lên trời, tôi thấy cũng vui, cô con gái tôi rất thích” - anh Đức chia sẻ.
Theo Lao Động
No comments:
Post a Comment