So với vườn cây của các đại gia sành chơi cây ở đất Bắc như Thành “đất”, Phiến “cá”, Toàn “đô-la”, Thành “vàng”… thì vườn cây của ông Phạm Văn Vĩnh chưa thấm vào đâu. Có người định giá vườn cây của ông cỡ vài chục tỉ, có người định giá quá lên thì cỡ trăm tỉ. Chuyện giá trị cây cảnh rất khó nói. Có người coi vườn cây của ông chỉ trị giá bằng cái lò gạch (làm củi đốt gạch), song có người thì cho là vô giá.
Ông Vĩnh bên cây sanh vừa đoạt huy chương vàng Festival cây cảnh năm 2010 ở Hải Phòng. Ảnh chụp lại. |
Tuy nhiên, với những gốc cây trị giá vài ba tỉ mà ông đã bán, cũng đủ biết giá trị thực sự của khu vườn hàng ngàn cây này “khủng” như thế nào. Điều quan trọng, chủ nhân của nó không phải là các đại gia được thiên hạ gắn chữ “đất”, “vàng” hay “đô-la” ở đằng sau tên, mà chỉ là một ông nông dân chân đất. Đã có nhiều đại gia tính chi li từng gốc cây và cho rằng nó ngót trăm tỉ, thôi thì cứ cho là vườn cây của ông nông dân này trị giá trăm tỉ đi.
Vườn cây của ông nông dân Phạm Văn Vĩnh nằm ngay mặt con đường xuống bãi biển Quất Lâm, thuộc xã Hải Phương, Hải Hậu, Nam Định. Tuy nhiên, đứng ở đường chả nhìn thấy cây cối đâu cả. Tường cao, rào sắt kín mít, chỉ có chiếc cổng nhỏ dẫn vào trong. Tôi đã từng đi mỏi chân trong vườn cây cảnh của Toàn “đô-la” ở Việt Trì và ngồi ê mông trên ô tô mới đi hết vườn cây của Phiến “cá” ở Vĩnh Yên, song vẫn bị choáng ngợp bởi vườn cây của lão nông dân này.
Một góc nhỏ vườn cây của ông nông dân Phạm Văn Vĩnh. |
Ngôi biệt thự chìm nghỉm giữa vườn cây với đủ các loại sanh, si, đa, đề, rồi tùng, khế, quế, du… Chiếm đại đa số vẫn là sanh, một loại cây được ưa chuộng từ mấy trăm năm nay.
Ông chủ Phạm Văn Vĩnh trông tướng đúng là một nông dân chính cống. Ông giản dị, ngại ngùng, thậm chí “sợ” chụp ảnh lên báo. Thế nhưng, khi nói về cây, ông thoát xác thành một chuyên gia thực thụ. Theo ông, sở dĩ từ cổ chí kim, cho đến hiện tại, người chơi cây vẫn chuộng sanh là vì vẻ đẹp tận cùng của nó. Nó đẹp từ hình thức (từ những chiếc lá, thân, cành, rễ) cho đến tâm hồn (sức sống mãnh liệt, trường tồn). Không có loài cây nào kỳ lạ như sanh, trồng trên đất sống khỏe, trồng trên đá vẫn sống tốt, thậm chí ngâm trong nước cũng vẫn xanh tươi. Ở hoàn cảnh nào sanh cũng mọc rễ tua tủa tìm sự sống. Con người cứ nhìn vào cây sanh mà học tập, mà vươn lên, bất chấp mọi hoàn cảnh. Vẻ đẹp của sanh ẩn ở cái ý nghĩa đó.
Tôi lang thang khắp đất Nam Định và thấy đâu đâu cũng bạt ngàn sanh, sanh được trồng kín vườn, trồng đầy bờ ao, dọc đường làng, ngõ xóm. Nhưng tại sao sanh vẫn quý như thế? Để giải đáp câu thắc mắc, lão nông Phạm Văn Vĩnh dẫn tôi đến gốc sanh mà ông đặt tên là “Mai Bò”. Sở dĩ ông đặt tên cho gốc cây là Mai Bò, vì trông nó giống như một con rùa đang bò.
Cây sanh có tên Mai Bò đã được bán với giá 3 tỉ đồng. |
Thú thực, tôi nhìn mãi mà không tưởng tượng ra vẻ đẹp bạc tỉ của nó ở chỗ nào. Toàn bộ thân cây trùm kín lên một tảng đá, những cái rễ xù xì, mốc thếch, bò loằng ngoằng. Ông Vĩnh bảo, chính cái sự mốc thếch, xù xì đó đã tạo nên giá trị của cây cảnh. Với sanh, dù có được trồng tràn làn khắp cả nước, nhà nhà có sanh, làng làng rợp bóng sanh, thì những cây sanh già cỗi vẫn cực kỳ giá trị. Tuổi đời của cây sanh thể hiện ở hình thù cổ quái và đặc biệt là màu mốc trắng của thân, rễ. Dù công nghệ làm cây cảnh có cao thủ thế nào, cũng không thể làm ra cái màu mốc trắng đặc trưng. Chỉ có thời gian cả trăm năm mới giúp thân và rễ của cây lên màu như thế.
Nghe lời ông Vĩnh giảng giải, tôi mới hiểu vì sao cây sanh của Toàn “đô-la” ở Việt Trì có giá cả triệu đô-la, bởi vì toàn bộ thân cây đã lên màu trắng xóa. Giới chơi cây tin rằng, những cây lên màu mốc trắng kín thân như thế, thì ở Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay và giá trị của nó bao giờ cũng là tiền tỉ.
Cây sanh này đã được bán cho ông Thịnh ở Hải Phòng với giá 2 tỉ đồng. |
...và cây sanh 1 tỉ đồng. |
Mặc dù nghe ông Vĩnh tả kỹ lưỡng về vẻ đẹp của nó, song tôi vẫn choáng khi ông Vĩnh bảo rằng, ông đã bán cây này cho anh Thịnh ở Hải Phòng với giá 3 tỉ đồng. Tôi choáng là vì chuyện ông đã bán cây là có thực và giá trị 3 tỉ đồng là giá trị thực, chứ chẳng phải kiểu định giá vống lên như các đại gia khác, kiểu như: “Có người trả từng này, nhưng tôi không bán”. Cạnh cây sanh Mai Bò, là hai cây sanh nữa, cũng già cỗi, cổ quái không kém, mọc giữa khối đá đặt trong bể nước. Hai cây này cũng đã được anh Thịnh mua cách đây 3 tháng, một cây 2 tỉ, một cây 1 tỉ đồng. Như vậy, riêng 3 cây sanh ông Vĩnh vừa bán, thu về tổng cộng 6 tỉ đồng – một số tiền quá khủng khiếp so với một người nông dân.
Ông Vĩnh kể chuyện bán cây sanh cho đại gia tên Thịnh mà như người mất hồn. Dân chơi cây đều có tâm trạng đó cả. Họ thường ít khi bán cây đẹp, cây độc, cây trị giá tiền tỉ trong vườn của mình. Túng thiếu quá thì chỉ bán cây cỡ vài chục, vài trăm triệu mà thôi. Ông Vĩnh cứ thắc mắc không hiểu anh chàng tên Thịnh này lấy đâu ra lắm tiền thế. Ông đòi 3 cây sanh này 6 tỉ, là hơi đắt một chút, song anh ta chẳng thèm mặc cả câu nào, lại còn yêu cầu ông định giá cả vườn, để anh ta tính toán rồi bê cả đi. Bán hết vườn cây, giữ một đống tiền cũng chả biết để làm gì, nên ông không giám định giá.
Những cây sanh được định giá bạc tỉ có rất nhiều trong vườn nhà ông Vĩnh. |
Mua xong 3 cây sanh, trả luôn 6 tỉ đồng, nhưng anh Thịnh không bứng ngay cây đi, mà đề nghị ông Vĩnh tiếp tục chăm sóc giúp, vì khu vườn ở Hải Phòng chưa hoàn thiện. Năm ngoái, anh này cũng đã mua 3 cây sanh của ông với giá 1,8 tỉ đồng. Cứ nghĩ đến lúc chia tay 3 cây sanh quý, ông Vĩnh lại rầu lòng.
Còn nhớ, năm 2005, ông Vĩnh gây choáng váng cho giới chơi cây Nam Định khi bán một cây sanh cho bà Lê Hương Vân (đại gia vải sợi) ở TP. Nam Định với giá bằng 200 cây vàng. Tuy nhiên, chỉ thời gian sau, ông Vĩnh nghe tin bà này đã bán cho một đại gia ximăng ở Ninh Bình với giá 300 cây vàng. Chỉ chớp mắt mà ông mất đứt 100 cây vàng. Đúng là chẳng có gì khủng khiếp và bất ngờ bằng giá trị của cây cảnh.
Theo VTC
Xteen1.Net
No comments:
Post a Comment