- Ngày 22/9, Cơ quan Công an quận Hoàn Kiếm cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Minh Trí (SN 1983), ở khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Theo đánh giá của luật sư, tội trạng này có hợp lý không? Và với tội danh này theo quy định của luật pháp sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo đánh giá của chúng tôi, vào giai đoạn này của vụ án mà Cơ quan Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Minh Trí (SN 1983), ở khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa vì tội danh vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là hợp lý.
Bởi, theo quy định tại Điều 8 trong Bộ Luật Hình sự, thì Nguyễn Minh Trí đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bước đầu của vụ án, hành vi nguy hiểm của Nguyễn Minh Trí được nhận định là đã phạm vào Điều 202 trong Bộ Luật Hình sự; Cơ quan Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với Nguyễn Minh Trí là đúng quy định tại Điều 88, Điều 104 và 126 trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự; Và, người nào “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” được quy định tại Điều 202 trong BLHS.
- Trước những hành vi như vậy có đủ căn cứ để xác định đây là hành vi cố ý làm chết người hay không?
Trước những hành vi như vậy, thì khó có thể nói là có đủ căn cứ để xác định đây là một hành vi giết người theo quy định tại Điều 93 trong Bộ Luật Hình sự. Bởi lẽ, để xác định trong vụ án này, bị can Nguyễn Minh Trí có hành vi cố ý làm chết người hay không, thì các Cơ quan tiến hành tố tụng phải qua công tác điều tra, xác minh với đầy đủ các tài liệu và chứng cứ nhằm chứng minh bị can Nguyễn Minh Trí đã có hành vi cố ý làm chết người.
Lái xe điên chỉ dừng lại khi một chiếc xe máy khác bị kẹt dưới gầm xe tại ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn. |
Theo những chứng cứ ban đầu, qua lời kể của nhân chứng Giang thì “bị hất văng nằm song song với chiếc "xế hộp". Còn Thắng nằm phía trước đầu ôtô, cách chừng một mét. "Khi đó em đau chân không đứng dậy được nên chỉ nhìn thấy chiếc xe không dừng lại sau khi tai nạn xảy ra mà cố phóng đi, chèn qua cả Thắng và chiếc Liberty...”. Như vậy, nếu giả thiết có đầy đủ các tài liệu và chứng cứ chứng minh rằng: Sau cú va chạm giữa xe ô tô do Nguyễn Minh Trí điều khiển và xe mô tô do anh Cao Xuân Thắng điều khiển, thì lẽ ra Nguyễn Minh Trí phải điều khiển ô tô dừng lại để xử lý hậu quả của vụ va chạm giao thông và thực hiện cấp cứu nạn nhân (nếu có).
Nhưng, Nguyễn Minh Trí đã làm điều ngược lại là bỏ mặc các nạn nhân và tiếp tục điều khiển ô tô đi tiếp trong khi biết rằng có nạn nhân vẫn đang nằm trước đầu xe và đã để xe cán qua người nạn nhân, nên đã gây ra hậu quả là cái chết cho nạn nhân. Như vậy, Nguyễn Minh Trí đã có hành vi cố ý làm chết người.
- Qua lời kể của nhân chứng may mắn sống sót ngồi sau xe, liệu tội danh mà cơ quan chức năng đưa ra là còn nương nhẹ?
Trong giai đoạn điều tra của vụ án như hiện nay, với những hành vi, chứng cứ và qua lời kể của nhân chứng như vậy, chúng ta chưa thể nói tội danh mà cơ quan chức năng viện dẫn trong quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can là nhẹ hay nặng. Bởi lẽ, theo quy định tại Khoản 1, Điều 127 trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự thì “Khi tiến hành điều tra, nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố hoặc còn hành vi phạm tội khác thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can”.
- Qua vụ việc về lái xe điên gây tai nạn liên hoàn rồi đâm chết người bỏ chạy ngày 18/9 vừa qua ở ngã tư Hàng Bài - Lý Thường Kiệt anh đánh giá như thế nào về vụ việc này?
Dù với tư cách một người dân hay với tư cách một luật sư, chúng tôi hết sức căm phẫn trước hành vi của lái xe, khi sự việc tai nạn giao thông xảy ra đã không cứu giúp nạn nhân lại còn có hành vi tiếp tục điều khiển ô tô đi tiếp trong khi biết rằng nạn nhân sẽ cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng nếu tiếp tục cho xe chạy tiếp. Những hành vi nêu trên, đã làm dư luận trong xã hội hiện nay cho rằng: Một số lái xe khi gây tai nạn, cố tình cán chết nạn nhân để không phải chăm sóc thuốc thang và nuôi nấng về sau.
Đây là việc làm táng tận lương tâm mà xã hội phải lên án mạnh mẽ, pháp luật phải xử lý nghiêm khắc và triệt để để làm gương cho kẻ khác.
Còn câu hỏi đối với trường hợp này cần đưa ra hình phạt nào thích đáng nhất? Trước hết, cũng cần phải lưu ý rằng, việc đưa ra hình phạt nào thích đáng nhất là thuộc thẩm quyền của Tòa án. Vì, theo quy định tại Điều 26 trong Bộ Luật hình sự thì “Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự và do Toà án quyết định.” Còn đối với Luật sư, hình phạt thích đáng nhất là hình phạt được áp dụng phải đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Vì, hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Xin cảm ơn các luật sư!
“Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ:1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
No comments:
Post a Comment