(Xteen1.Net) Bố mẹ chồng quá đau đớn không muốn nhìn cảnh con trai tàn phế, mất hết tay chân nên quyết định cho anh… được chết. Là một người vợ, chị không đành lòng nhìn cảnh ấy…
Trong khuôn viên Bệnh viện Chỉnh hình huyện Yên Mô, Ninh Bình, người ta chẳng lạ gì hình ảnh người phụ nữ một tay dắt đứa con gái 3 tuổi, 1 tay đẩy xe cho người chồng cụt cả tay lẫn chân. Nhìn nụ cười hiền từ của chị, ít ai biết rằng chị đã trải qua bi kịch giành giật sự sống cho người chồng không phải bởi tay thần chết mà với chính bố mẹ đẻ của anh…
Tai nạn trời giáng và bi kịch của một gia đình
Chị Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1979, là con thứ 3 trong một gia đình khá giả ở Dương Xá, Thanh Hà, Thanh Liêm, Hà Nội. Cô công nhân giày đã phải lòng anh chàng kỹ sư điện Trần Văn Sơn vừa đẹp trai, hiền lành, lại chăm chỉ làm ăn. Mến “cái nết” của anh, một năm sau cô khăn gói theo chồng “về dinh” ở mãi thôn Khê Hạ, một ngôi làng nghèo của xã Yên Đồng, Yên Mô, Ninh Bình.
Biết chẳng thể làm giàu ở mảnh đất “dặt đá sỏi”, cưới nhau được chừng nửa tháng hai anh chị xin phép bố mẹ chồng về quê chị làm ăn. Mượn căn nhà của bố mẹ vợ, hai vợ chồng chắt bóp dành dụm từng đồng để trang trải cuộc sống.
Là thợ có tay nghề nhưng đồng lương ít ỏi, gia đình hai vợ chồng và một đứa con gái nhỏ không đến nỗi nghèo khổ, nhưng hoàn cảnh cũng chẳng mấy dư dả. Khao khát thay đổi cuộc sống, đến giữa năm 2009, anh Sơn quyết định rời bỏ công ty tách ra mở cửa hàng làm ăn riêng cùng một người quen tại Ba La, Hà Đông, Hà Nội. Người này góp vốn, anh góp sức.
Phải mất khá lâu, cô con gái 3 tuổi của chị Hoa mới... hết sợ "hình dáng mới" của bố. |
Cánh cửa tương lai tốt đẹp vừa mở ra thì bỗng đóng sập lại trước mắt đôi vợ chồng trẻ khi anh gặp phải tai nạn khủng khiếp ngay trước 1 ngày khai trương cửa hàng. Kể về cái ngày định mệnh ấy, khuôn mặt anh Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng: “Ngắm cái biển cửa hàng chưa ưng ý nên tôi trèo lên thang cùng hai người thợ ở dưới góp sức để sửa lại. Vừa nâng tấm biển lớn ngang tầm mặt thì một luồng điện cao thế phóng tới. Tôi chỉ kịp á lên một tiếng rồi bị ngã vật xuống trần nhà ngất lịm, tấm biển vẫn dính chặt trên người. Tất cả chỉ diễn ra chưa đến một phút”.
Mặc dù hôm đó có khá đông người chứng kiến, nhưng biết anh Sơn bị điện cao thế giật nên không ai dám ứng cứu. Có người nhấc máy gọi công ty điện lực, nhưng cũng chỉ nghĩ để kéo xác anh xuống chứ ai cũng chắc mẩm chắc anh chết cháy rồi.
Chị Hoa lúc đó đang lúi húi trong cửa hàng để bày biện đồ đạc. Bỗng nghe thấy tiếng gọi thất thanh của mấy người ngoài cửa: “Chồng cô bị điện giật chết rồi”. Chị bảo: “Lúc ấy tôi không biết mình nghĩ gì nữa, cứ đờ đẫn như kẻ mất hồn. Tôi nhấc điện thoại gọi cho anh trai báo tin dữ mà nước mắt cũng không chảy được. Nhờ anh lo tang ma cho chồng xong tôi chạy ra sân thì thấy tiếng anh rên khe khẽ, đến lúc ấy mới bật khóc thét lên: “Anh ấy vẫn sống”. Vừa nhờ người đưa đi viện, chị vừa ôm chầm lấy anh mà khóc nấc trong hạnh phúc. Chị bảo lúc ấy chị chỉ nghĩ được một điều là chồng mình không chết.
Khi anh Sơn được được đứa đến Viện Bỏng Quốc Gia trong tình trạng toàn thân bỏng rất nặng, trên khắp cơ thể nham nhở những vết cháy đen sì. Có chỗ mất cả mảng da lớn để lộ mảng da trần nhầy nhụa máu. Cấp cứu kịp thời nên anh đã tạm qua cơn nguy kịch, nhưng vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng phù nề, chảy nước. Thịt ở hai cánh tay và một bên chân bị bỏng nặng nhất đã có dấu hiệu mủn ra, hoại tử. Bác sĩ điều trị cho anh báo cho chị tin dữ: “Nếu muốn giữ mạng thì phải cưa hết tay chân”. Cái tin ấy khiến người vợ đau đớn tột cùng nhưng chị cũng không biết được nó lại gây ra tấm bi kịch khiến gia đình rạn nứt.
Mắt ngân ngấn nước, chị bồi hồi kể lại: “Để thực hiện phẫu thuật bác sĩ cần sự đồng ý của cả gia đình. Nhưng xót xa không muốn nhìn cảnh con trai bị tàn phế, mất hết tay chân nên bố mẹ chồng tôi không đồng ý. Bố mẹ quyết định thà để anh ấy chết chứ không muốn anh ấy chỉ còn như… cây chuối.
Hiểu lòng bố mẹ cũng vì thương con, nhưng là một người vợ tôi đâu đành lòng nhìn chồng mình chết. Anh tàn phế nhưng tôi vẫn còn chồng, con tôi vẫn có cha. Nghĩ thế nên tôi đã đấu tranh quyết liệt để giữ lại mạng sống cho anh. Quỳ xin không được tôi đành chịu tiếng bất hiếu quyết xin bệnh viện phẫu thuật cho anh.
Nhưng có một nỗi niềm đau đớn còn lớn hơn cả nỗi lo của chị là mối quan hệ với bố mẹ chồng. Chị bảo từ ngày anh ở viện bố mẹ cũng ít tới thăm. “Cảnh làm dâu vốn trước đây cũng không được bố mẹ chồng “quý hóa”, nay vì chuyện này mối quan hệ của chị và bố mẹ chồng đã sứt mẻ, căng thẳng lắm”.
Tai nạn bất ngờ khiến anh Sơn cụt mất hai tay và một bên chân trái, bàn chân phải cũng chỉ còn ngón cái. Thế nhưng, câu chuyện gia đình khiến anh còn đau đớn hơn bị điện giật. |
Nói rồi chị lấy tay quệt hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Anh Sơn ngồi bên cạnh nghe chuyện mà thở dài thườn thượt: “Nhìn cảnh gia đình tôi còn đau hơn bị điện giật”.
Tương lai mù mịt
Hơn một năm anh Sơn chuyển bao nhiêu viện là chị lại khăn gói theo chồng đến đó. Từ việc bón cơm, tắm giặt, vệ sinh cá nhân của anh chị lo hết. Chị cười đùa: “Ăn cơm viện cả năm trời, giờ viện là nhà, nhà là nhà trọ rồi chị ạ!”.
Tiền bạc dành dụm đã cạn kiệt, anh trai chị cho vay cả tiền làm nhà để chị có viện phí lo cho anh giờ phải sống cảnh thuê trọ. Giờ sống trong viện một ngày là một ngày chị lại vắt tay lên trán nơm nớp lo tiền viện phí. Cũng may nhờ một người hảo tâm giấu tên thương hoàn cảnh vợ chồng chị hứa chu cấp cho tiền viện phí nên giờ cũng bớt lo.
Giờ chị Hoa chỉ biết gắng chăm sóc cho chồng chóng khỏe, tương lai chị không dám nghĩ. |
Nghe câu chuyện của hai anh chị mà lòng tôi cũng trĩu nặng, không biết phải động viên thế nào cho phải. Tôi quay sang hỏi chị: “Anh Sơn cũng đang dần hồi phục rồi, anh chị đã tính gì cho tương lai chưa?”. Chị ngoảnh mặt ra sân, nói với tôi mà như tự nhủ với chính mình: “Tương lai sẽ sống thế nào, làm sao để kiếm tiền trả nợ… em cũng không dám nghĩ đến nữa”.
Lê Trang
Theo DV
Xteen1.Net
No comments:
Post a Comment