Monday, March 7, 2011

8 tháng trong tay cướp biển Somalia

“Đang thả neo, bất ngờ chúng tôi thấy một ca nô cao tốc lao đến. Những hải tặc Somalia tay mang súng máy áp sát mạn tàu, khống chế thuyền trưởng và tất cả thuyền viên khác", anh Trần Văn Trí (22 tuổi), ở Nghệ An, vừa trở về sau 8 tháng trong tay cướp biển, nhớ lại.

Trần Văn Trí 22 tuổi

Sau khi học xong phổ thông, chàng trai Trần Văn Trí ở xã biển Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) theo cha ra khơi kéo lưới thuê. Thu nhập quá thấp lại bấp bênh, tháng 9/2009, Trí xin bố mẹ vay mượn tiền để đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan làm thuyền viên tàu Tai Yuan 277 với nhiệm vụ là quấn, thả dây câu cá ngừ trên biển Ấn Độ Dương.
Tháng 5/2010, khi đang thả câu trên vùng ngư trường thuộc Ấn Độ Dương, bất ngờ Trí và một số thuyền viên khác thấy xuất hiện một chiếc ca nô cao tốc. Vội vàng cắt dây câu, nhổ neo để tháo chạy nhưng không kịp. Những hải tặc Somalia tay mang súng máy nhanh chóng áp sát mạn tàu rồi khống chế thuyền trưởng và tất cả các thuyền viên khác.
"Vài phút sau, một nhóm người da đen khác xuất hiện, tay vác súng cối trên vai bắt tất cả mọi người lên boong tàu rồi lục soát, tịch thu toàn bộ đồ đạc, tiền bạc. Đến lúc này, cả thuyền trưởng lẫn thủy thủ biết chắc mình đã bị hải tặc bắt cóc", anh Trí nhớ lại.

Sau khi khống chế được con tin, nhóm hải tặc bắt thuyền trưởng cho tàu chạy thẳng về Somali. Đến một vùng biển kín, hoang sơ, có rất nhiều tàu cá khác cũng đang bị giam ở đó, tàu được lệnh dừng neo và các thủy thủ bị buộc phải làm theo tất cả những gì mà nhóm hải tặc yêu cầu.
“Sau khi về Somalia, nhóm hải tặc bắt đầu phân loại ra những ai là người Việt Nam, ai là người Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia,… rồi bắt thuyền viên chia nhau ra làm tất cả mọi việc mà chúng yêu cầu. Có những lúc, nửa đêm, trời rét mướt nhưng chúng vẫn bắt thuyền viên dậy chui xuống hầm tàu để lấy cá, lấy dầu. Ai cãi lại là chúng dùng báng súng để đánh và dạo sẽ giết”, thuyền viên Trần Văn Trí vừa kể vừa rùng mình, khi nhớ lại cảnh tượng những tên hải tặc da đen trong tay lúc nào cũng lăm lăm khẩu súng máy và những quả đạn cối.
Sau một thời gian, nhóm hải tặc cho phép thuyền trưởng và các sĩ quan liên lạc với chủ tàu người Đài Loan nhưng không có tín hiệu trả lời. Những tên hải tặc tỏ ra rất tức giận và yêu cầu các thuyền trưởng tìm mọi cách để liên lạc trở lại hòng đòi tiền chuộc.
Khi thấy thấy không thể liên lạc được với chủ tàu ở Đài Loan, nhóm hải tắc bắt đầu dùng chính con tàu và những con tin đi cướp các tàu khác. "Mỗi lần đi cướp, nhóm hải tắc bắt tất cả các thuyền viên ngồi trong tàu, thuyền trưởng và các sĩ quan phải lái tàu như bình thường, khi tàu cá đến gần những con tàu khác, những tên hải tặc chạy lên, cầm súng rồi bắn chỉ thiên, dùng loa yêu cầu chiếc tàu kia dừng lại, nếu tàu nào chống đối chúng sẽ nổ súng”, Trần Văn Trí kể.
Hai tháng sau ngày bị bắt, hải tặc Somalia cho phép các thuyền viên gọi điện về cho gia đình mình mỗi người 3 phút nói chuyện.
“Bữa nớ tui đang nằm khóc trong giường thì thấy số điện thoại lạ gọi đến, linh tính báo về, tui ôm chầm lấy máy và hai mẹ con cùng khóc nức nở. Gọi điện được 3 phút mà chúng tôi đã khóc mất hơn 2 phút rồi nhưng dù sao cũng thấy nhẹ người hơn chút vì biết con mình đang còn sống”, bà Trần Thị Huê, mẹ của Trí vừa tiếp lời kể của con vừa khóc nức nở.
Sau khi cướp được chiếc tàu đầu tiên, những hải tặc Somalia bắt đầu dùng chiếc tàu cá mà Trí làm việc dùng vào việc bắt cóc tàu khác thường xuyên hơn.
Vào ngày 20/1/2011, khi vừa cướp xong một chiếc tàu cá cỡ lớn ở Ấn Độ Dương, nhóm cướp yêu cầu thuyền trưởng lái tàu về chỗ cũ nhưng tàu đang chạy thì máy trưởng kêu với hải tặc là hết dầu. 5 tên hải tặc vác súng đi lùng sục các hầm tàu nhưng không tìm thấy can dầu nào, tưởng là hết dầu thật, nhóm hải tặc đã thả con tàu và đoàn thủy thủ vì không có cách nào khác.
“Khi nhóm hải tặc theo chiếc tàu lớn vừa cướp được đi khuất, chúng em ôm chầm lấy nhau vì sung sướng. Ai cũng khóc vì bỗng dưng được hải tặc thả vô điều kiện”, Trần Văn Trí vừa kể vừa cười.
Sau một hồi trấn tĩnh lại thì biển nổi sóng to, các thủy thủ ai cũng lo lắng vì nghe tin tàu hết dầu, nhưng một anh máy trưởng người Trung Quốc cười vang và thông báo với mọi người là đang còn hơn 10 tấn dầu được giấu kín dưới thùng ở phía sau. “Như chết đuối vớ được cọc, anh em thủy thủ và các máy trưởng, máy phó hối hả tiếp thêm dầu cho tàu rồi nổ máy chạy thẳng về hướng Srilanca”, Trần Văn Trí cho biết.
Sau 12 ngày đêm lênh đênh trên biển, con tàu Tai Yuan 277 cập được cảng ở Srilanca, trong khi thuyền trưởng cho phép các thuyền viên gọi điện về gia đình thông báo tình hình thì cán bộ của lãnh sự quán Đài Loan có mặt, thăm hỏi động viên mọi người rồi nhanh chóng liên lạc với chủ tàu và làm các thủ tục để đưa các thuyền viên về nước.
Ngày 3/3, Trần Văn Trí cùng với 2 thủy thủ người Việt Nam khác là Nguyễn Tiến Anh (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Trương Văn Hiếu (quê Đắc Hà, Kon Tum) đã về đến nhà trong niềm vui sướng tột cùng của gia đình, bạn bè và những người thân. Ngày Trí trở về, mẹ và cô em gái ôm chầm lấy Trí, cả gia đình khóc nức nở vì mừng vui.
Ông Trần Văn Uẩn, bố của Trí, nói: “Nghe tin con bị bắt từ các phóng viên, trong thâm tâm tui nghĩ là cháu sẽ không có con đường sống nhưng vẫn phải động viên vợ và mẹ già rồi cùng nhau cầu trời khấn phật để chờ ngày hôm nay”.
Xã biển Quỳnh Long có gần 1.000 thanh niên xuất ngoại, chủ yếu làm thuyền viên cho các tàu cá của Đài Loan, Hàn Quốc.
Thủy thủ Trần Văn Trí cho biết, hầu hết hải tặc Somalia không giết hại hay ngược đãi con tin người Việt Nam bởi hải tặc Somalia biết những thủy thủ Việt Nam nhà nghèo, gia đình không có tiền chuộc.
Thấy người thân của các thủy thủ đến nhà vừa khóc vừa hỏi thăm tình hình con cái họ đang ở Somalia, Trần Văn Trí động viên: “Mặc dù bị bắt, bị lấy hết tư trang, tiền bạc nhưng các con tin vẫn được cấp gạo, nước uống đầy đủ, khi ốm thì vẫn có các loại thuốc cảm từ nhà mang đi nên các thủy thủ vẫn khỏe mạnh”.

xteen1.net copy buonchuyen
Theo vnexpress

No comments:

Post a Comment