Friday, December 31, 2010

Chủ quán rượu và quá khứ làm tướng cướp khét tiếng

Sau vài chén rượu dừa nóng thay trà tại quán rượu khuất trong ngõ nhỏ nhưng nổi tiếng đất Thành Nam, chủ quán rượu Bùi Thanh Phúc, sinh năm 1961, có đôi mắt sáng, nhanh nhẹn trải lòng về một thời ngang dọc ngông cuồng cách đây 15 năm.
15 năm tròn cũng là quãng đời hoán cải anh từ một kẻ "không ra gì, không còn gì" để có lại được tất cả mọi ưu ái của cuộc đời. Anh từng là một tên cướp ngang tàng, khét tiếng với cái tên Phúc “Nhiếp”.
Quá khứ ngông cuồng
Sinh ra trong một gia đình công nhân, bố mẹ công tác tại Nhà máy liên hiệp dệt Nam Định, tuy đồng lương eo hẹp song do Phúc vừa là con trai duy nhất lại bé nhất nhà nên lúc nào cũng được chiều chuộng. Thời tem phiếu, mọi người phải tằn tiện, sống như ép xác nhưng với Phúc, từ lúc lọt lòng đã được cha mẹ và hai chị bao bọc, cưng chiều nên chưa biết thế nào là đói, khổ.
Ương bướng và nóng nảy, Phúc nổi tiếng với những vụ nghịch ngợm, đánh nhau song lại rất có khiếu về môn văn, là học sinh giỏi cấp tỉnh bấy giờ. Kỳ thi vào cấp ba, Phúc được 9 điểm văn nhưng toán lại bị điểm dưới trung bình. Anh bảo do lúc đó mải tơ tưởng đến cô bạn cùng lớp nên môn toán chẳng hiểu gì. Cũng may là học sinh giỏi cấp tỉnh nên Phúc được đặc cách vào trường cấp ba Ngô Quyền, thế nhưng chỉ vài tháng sau, trong một lần đùa nghịch, Phúc đánh gãy tay một thày giáo và bị đuổi học.
Ông chủ quán rượu và một thời là tướng cướp khét tiếng
Sợ cậu con trai cưng vốn đã nghịch ngợm, giờ lêu lổng sẽ hư hỏng, bố mẹ Phúc xin cho anh vào học tại trường công nghệ dệt (nay là trường cao đẳng nghề Nam Định) học nhưng chưa kịp thành nghề thì chiến tranh biên giới năm 1979 xảy ra, Phúc có tên trong danh sách tổng động viên ngày đó. Sau ba tháng tổng động viên, Phúc quay về với một khẩu AK và một khẩu côn quay mà anh ta nhặt được và con đường làm cướp bắt đầu từ đây.
Trở về nhà, Phúc tiếp tục đi học nghề nhưng tâm trí chỉ để ở hai khẩu súng với những cảnh trấn cướp mà anh ta mường tượng ra. Trong một lần đang học, một nhóm côn đồ ở bên ngoài nhảy vào uy hiếp những học sinh trong trường, lấy đồ đạc. Nổi máu yêng hùng, Phúc vác dao chém lại và chuyện học hành cũng từ đây mà chấm dứt. Không còn bài vở vướng bận, Phúc được dịp thả phanh với những vụ đánh đấm nhau.
Để có tiền đi chơi với người yêu, Phúc vác súng ra đường “xin đểu” sau đó lại quần áo chỉnh tề tới đón người yêu đi chơi. Cái tên Sầu Thương Hận, biệt hiệu của Phúc mỗi khi đi cướp bắt đầu xuất hiện. Một buổi tối, sau khi gây ra 5 vụ cướp, Phúc giắt khẩu côn quay vào thắt lưng, gọi xích lô tới đón người yêu đi chơi. Tuy nhiên, lần này Phúc đã không gặp may bởi khi chiếc xích lô chở Phúc với người yêu đi ngang qua phường Trần Tế Xương, bị một thanh niên đang ngồi trong CA phường, xô ra, hô: “thằng này lúc nãy vừa gí súng cướp ví của tôi”. Với khẩu súng trong người, Phúc bị kết án 20 năm tù.
Đang như công tử ngoài đời, vào trại giam Ninh Khánh, Phúc luôn tìm cách trốn trại nhưng phải tới lần thứ ba mới thoát cùng với ba kẻ đều là những tay có số má. Ngay đêm đó, bốn kẻ tù tội lội tắt qua ruộng ra quốc lộ I, định đón tàu vào Nam nhưng vơ vẩn thế nào lại nhảy đúng chuyến tàu ra Hà Nội. Những dãy phố nham nhở vì bom đạn đã khiến họ lạc nhau, Phúc quay về Nam Định, tiếp tục đi cướp đến năm 1981 thì lên Yên Bái với quyết tâm cải tà quy chính.
“Ngày ấy khổ lắm. Cứ 5h sáng là dậy, xúc hai bò gạo cho vào nồi rồi vặt thêm mớ ngọn sắn thế là lên nương rẫy cỏ, tối mới về nhà”, anh Phúc hồi tưởng. Đang tiêu tiền quen tay, giờ phải cầm cái liềm, cái cuốc, đã có lúc Phúc định bỏ cuộc nhưng cứ nhớ lại ngày ở trại, anh lại rùng mình sợ hãi. Đêm đêm trong giấc ngủ chập chờn, Phúc mơ mình bị bắt lại, bị cùm chéo hai chân, nhốt vào phòng kín... Những đêm nằm nghe tiếng chim rừng gọi bạn, tiếng con nai bất chợt kêu: toác, toác, anh lại tưởng tiếng chó cắn, vội vàng vơ quần áo chạy. Gần một năm trời làm người rừng, chịu không thấu, Phúc xin bố mẹ tiền mua xe đạp, đi buôn sắn khô, đủ tiền mua một khẩu colt 6 ly thì quay về chốn cũ, tiếp tục con đường cũ xấu xa.
Đúng lúc Phúc quay về Nam Định thì người yêu của anh không biết có phải do không chịu nổi tai tiếng do người yêu đem lại hay vì một lý do gì đó đã tự vẫn, không một lời từ biệt. Chán nản, Phúc quyết định “Nam tiến” để giã từ quá khứ và mối tình đầu đau khổ. Khi tàu dừng ở Huế, Phúc giấu khẩu súng mang theo vào một chỗ kín rồi tìm đường đến nhà người quen. Thấy Phúc nhanh nhẹn, có sức khỏe, người quen của Phúc đã xin cho anh nhập ngũ nhưng cuộc sống binh nghiệp giữa vùng đất đỏ badan chỉ gợi lại trong anh những ngày cực khổ ở Yên Bái. Sợ hãi, Phúc bỏ ra Bắc, không quên tìm lại khẩu súng trước đó đã cất giấu.
Trở về Nam Định, Phúc không dám về nhà vì sợ liên lụy tới bố mẹ. Được một đàn em tâm phúc ở phường Nguyễn Du cưu mang, rất nhiều lần cậu con út này muốn về nhà để được sà vào lòng mẹ, được thưởng thức những món ngon do tay bà nấu nhưng không dám dù nơi anh ta ở chỉ cách nhà vài trăm bước chân. Những ngày ở nhà bạn, thấy họ sống bằng nghề vận chuyển hàng thuê trên sông, Phúc chợt nảy ra ý định sắm một con thuyền đi cướp trên sông nhưng chưa gây được vụ cướp nào thì bị bắt.
Một buổi sớm năm 1984, sau khi neo thuyền ở chùa Non Nước, thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình tỉnh Ninh Bình), Phúc thong thả bước lên bờ ăn sáng rồi theo thói quen gọi một điếu ba số nhưng chủ quán lắc đầu từ chối vì không có. Rảo bước qua đường, Phúc chợt tái mặt khi thoáng nhìn thấy ông Khanh, cán bộ trại giam Ninh Khánh đang ngồi gần đây, vội quay gót bỏ đi nhưng không kịp. "Phúc, Phúc", tiếng cán bộ Khanh văng vẳng phía sau khiến Phúc rảo bước nhanh hơn nhưng tiếng gọi của người cán bộ vẫn bám theo.
Bỏ chạy ra phía cầu Ninh Bình, Phúc như kẻ bị dồn vào ngõ cụt khi phía trước đột ngột xuất hiện một tốp công an thị xã Ninh Bình, vì đi ăn sáng gần đấy, biết có chuyện liền chạy tới hỗ trợ. Phía trước là công an, đằng sau có người đuổi, trong đầu Phúc nghĩ nhanh nếu để bắt được chắc bị tử hình, phải cố gắng chạy thoát ra khỏi hòan cảnh này. Lao mình xuống dòng nước giá buốt, Phúc thấy ân hận vì đã để súng, lựu đạn trên thuyền, anh ta cứ mải miết bơi cho đến lúc lạnh quá, ngất đi, không biết gì nữa.
Lúc tỉnh dậy, Phúc thấy hai tay tê cứng, miệng đau rát. Bị đưa ra tòa, Phúc bị kết án thêm 1 năm nữa về tội trốn trại. Lần này anh ta không còn được ở trại giam Ninh Khánh nữa mà được đưa tới trại giam Thanh Cẩm, Thanh Hóa, nơi dành cho những đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, tướng cướp khét tiếng, cải tạo. Sau này các đối tượng Sơn "bạch tạng"; Hải "bánh"; Khánh "trắng" cũng vào đây "bóc lịch", tên nào nghe danh Phúc "Nhiếp"cũng phải kiềng nể, thậm chí Khánh "trắng" năm 1995, khi biết Phúc được tha còn đánh cả ô tô loại sang vào đón, đưa lên Hà Nội tổ chức tiệc mừng, luôn miệng tung hô "đại ca", mời Phúc ở lại nhưng không được.
Khó tưởng tượng được, một tay giang hồ có số má như thế mà giờ đây đang ngồi trước mắt tôi, điềm đạm, trải lòng về quá khứ trong quán rượu "hoàn lương" của riêng mình.
Kỳ sau: Nẻo về hoàn lương của tướng cướp
Ka Long
Xteen1.net - Theo Bưu Điện Việt Nam

No comments:

Post a Comment